Nước muối sinh lý cũng là thuốc

Cần hiểu rằng, nước muối sinh lý cũng là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì có bệnh mới dùng, chứ không nên lạm dụng.

Sinh con đầu lòng nên chị Mai rất cẩn trọng. Chị thuê nữ hộ sinh về tắm cho con tuần đầu. Khi tắm chị Mai quan sát rất kỹ lưỡng và thấy rằng sau khi tắm xong nữ hộ sinh thường lấy lọ nước muối sinh lý nhỏ vào mắt, mũi cho bé. Vì thế nên những ngày sau đó chị thường xuyên lấy nước muối để vệ sinh mắt, mũi hàng ngày cho con. Thấy chị Mai cứ nhỏ nước muối triền miên như vậy, bác Lan (mẹ của chị Mai) phàn nàn:

– Sao con cứ nhỏ mãi nước muối cho cháu thế?

– Con thấy chị nữ hộ sinh nhỏ nên con cũng nhỏ theo.

– Nhưng nhỏ có mức độ thôi, chứ lạm dụng cũng không tốt đâu.

– Cái nước muối này lành mà mẹ, lại có tác dụng phòng bệnh nữa…

Cả hai mẹ con chị Mai cứ trao đổi mãi về việc dùng nước muối sinh lý mà chưa có hồi kết, may quá có chị trạm trưởng y tế đi qua rẽ vào thăm bé. Chị đã giải thích:

– Hiện nay nước muối sinh lý (natri clorid) được sử dụng rất rộng rãi để rửa mũi hằng ngày cho cả người lớn cũng như trẻ nhỏ. Với quan niệm thuốc này chỉ có lợi mà không có những tác dụng phụ không mong muốn nên dùng càng nhiều lần càng tốt, là chưa đúng đâu.

– Đấy, tôi nói với cháu không nên lạm dụng mà cháu không nghe. Được thể nên bác Lan xen vào.

– Đúng là nước muối sinh lý dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng chỉ nên dùng để rửa mắt, mũi khi bị bẩn, bụi bặm, viêm nhiễm… Khi cháu bé mới được sinh ra các hốc tự nhiên (trong đó có mắt, mũi) bị dính các dịch từ cơ thể mẹ, vì vậy cần phải vệ sinh trong thời gian dài.

Hoặc khi bị viêm nhiễm, dùng nước muối sinh lý để làm sạch lớp mủ trước khi sử dụng thuốc để thuốc tác dụng trực tiếp vào lớp biểu mô của niêm mạc mũi và phát huy vai trò chữa bệnh. Nhưng khi mũi hoàn toàn trong trạng thái bình thường, thì không nên sử dụng nước muối thường xuyên để rửa mũi.

Vì việc sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ vô tình làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, mất đi chức năng bảo vệ mũi của lớp thảm này và gây tổn thương niêm mạc mũi sẽ làm cho mũi dễ bị viêm hơn, trong khi niêm mạc mũi của trẻ còn non nớt. Cần hiểu rằng, nước muối sinh lý cũng là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì có bệnh mới dùng, chứ không nên lạm dụng.

Được chị trạm trưởng trạm y tế giải thích nên chị Mai đã hiểu rằng không nên tùy tiện nhỏ nước muối sinh lý cho con.

Theo Hà Nguyên Cường
 Sức khoẻ & Đời sống

Tâm sự tình nguyện đầu năm

Hôm nay tình nguyện đầu năm
Giao lưu đám trẻ đến thăm phát quà
Các em hoàn cảnh thiết tha
Những mầm non nhỏ thật thà đẹp xinh
Nhìn em thấy thật buồn tình
Sinh ra chẳng biết phận mình dở dang
Nhìn em múa hát ca vang
Nhìn em vui vẻ xốn xang cười đùa
Đồ chơi thích quá phân bua
Kẹo bánh để đó vui đùa đồ chơi
Kẹo kia ai đó để rơi
Đưa cho em bé: chị ơi có rồi
Thành thật ngoan ngoãn vậy thôi
Đáng yêu bậc nhất em ngồi nơi đây
Mong em vui vẻ đủ đầy
Luôn luôn mạnh khỏe vui vầy bình an…
Bỗng nghe thương cảm ai than
Mỗi năm một khác mỗi đàn em thương
Em nằm lại đó vấn vương
Em nằm vì nỗi ẩm ương gia đình…

klk53

Tâm sự dành cho các bé tại trung tâm giáo dục lao động số II Hà Nội (Thụy An – Ba Vì – Hà Nội)

Chương trình “Vòng tay nhân ái – Đón xuân yêu thương” ngày 15/1/2012

Tự làm “đất nặn” an toàn cho các bé

 

Đất nặn quả thực là một nguyên liệu lí tưởng để các bé trải nghiệm và nó thu hút được sự chú ý và khả năng tập trung của bé trong một khoảng thời gian tương đối dài như với việc chơi với cát và nước. Ngoài ra, việc chơi đất nặn còn giúp trẻ hoàn thiện các vận động thô của tay và bàn tay, dần phát triển những vận động tinh là sự khéo léo của các ngón tay khi bé vê, lăn tròn, ấn bẹt… Hầu hết ở các trường mầm non hiện nay các bé vẫn phải chơi với lại đất nặn không an toàn , cứng, màu sắc xấu và có mùi rất khó chịu. Và để làm mềm chúng cho bé dễ sử dụng thì phải làm nóng và pha thêm xăng hoặc dầu… túm lại là rất nguy hiểm. Trên thị trường hiện nay có bán một số loại đất nặn nhập khấu nhưng nguồn gốc không rõ ràng, mềm và có màu sắc đẹp. Tuy nhiên nhưng đồ chơi loại này đều có hạn sử dụng và nếu đất nặn để quá lâu cũng không tốt cho bé. Trên diễn đàn mình thấy có mẹ giới thiệu lớp nghệ thuật tò he cho các bé cũng rất hay, nguyên liệu là đất nặn tò he làm từ bột nếp và màu thực phẩm cũng rất tốt và an toàn. Mình muốn giới thiệu với các mẹ kinh nghiệm tự làm đất nặn cho bé chơi tại nhà an toàn, hiệu quả:

PLAYDOUGH
Đây là cách làm đất nặn mình học được từ các cô giáo Tây khi làm việc ở trường MN Quốc tế và các bạn nhỏ nước ngoài vẫn chơi hàng ngày. Có 3 cách cho các mẹ lựa chọn:

Cách 1: Bột nặn được nấu chín (Coked playdough), loại này rất phù hợp với các bé dưới 3 tuổi vì nếu lỡ bé ăn phải thì cũng ok.

Nguyên liệu cần:
ü 2 cốc bột mỳ
ü 1/2 cốc muối (khuấy đều với 1 cốc nước)
ü 2 thìa dầu ăn
ü 4 thìa kem tarta ( loại kem này có thể tìm mua dễ dàng tại các siêu thị đặc biệt là các siêu thị dành cho người nước ngoài như: L’place, Bistro..)
ü 1 cốc nước có pha với màu thực phẩm tùy thích (đỏ, vàng, xanh lá,…để tạo màu mới, các mẹ có thể pha các màu này với nhau theo một tỉ lệ nhất định)

Cách làm: Trộn tất cả các thành phần trên với nhau thật đều trong chảo chống dính rồi đun nhỏ lửa trên bếp đến khi bột đặc quánh và chín ( màu bột trong và tươi hơn lúc đầu).Nhớ đảo đều tay tránh cho bột bị cháy và bén chảo. Đổ bột lên bàn gỗ chờ khoảng 5 phút cho bột nguội bớt rồi dùng tay nhào cho bột mịn đều. Bỏ bột vào hộp nhựa (hộp đựng thực phẩm). Bảo quản ở nơi khô thoáng. Nếu nấu và bảo quản cẩn thận, bột PLAYDOUGH có thể dùng đi dùng lại trong 1 tháng. Các mẹ có thể tìm mua các khuôn làm bánh, dao nhựa, lăn bột loại nhỏ, bằng nhựa trong các siêu thị có bé chơi.

Cách 2: Bột nặn sống ( Uncooked playdough)

Loại bột nặn này bảo quản không được lâu như lại được nấu chín, tối đa được 2 tuần trong điều kiện bảo quản tốt. Tuy nhiên bạn có thể khuyến khích bé cùng tham gia làm với bạn (vì không cần phải nấu mà!) và trẻ sẽ thích thú vô cùng khi được cùng mẹ pha trộn các nguyên liệu với nhau như thể đang được cùng mẹ làm bánh vậy.

Nguyên liệu cần:
ü 3 cốc bột mỳ
ü 1 cốc muối (khuấy đều với 1/2 cốc nước)
ü 1 thìa dầu ăn
ü 1 cốc nước có pha với màu thực phẩm tùy thích (đỏ, vàng, xanh lá,…để tạo màu mới, các mẹ có thể pha các màu này với nhau theo một tỉ lệ nhất định)

Cách làm: Trộn nước muối và bột với nhau thật đều, thêm dầu ăn và nước, dùng tay trộn, nhào cho đến khi bột mịn đều là được. ( giống như là bột nặn bánh trôi và bánh chay vậy). Loại Playdough này phù hợp với các bé trên 3 tuổi.

Cách 3: Bột nặn lò vi sóng ( Microwave playdough)

Nguyên liệu cần:

ü 3 cốc bột mỳ
ü 1/2 cốc muối (khuấy đều với 1 cốc nước)
ü 3 thìa dầu ăn
ü 6 thìa kem tarta ( loại kem này có thể tìm mua dễ dàng tại các siêu thị đặc biệt là các siêu thị dành cho người nước ngoài như: L’place, Bistro..)
ü 2 cốc nước có pha với màu thực phẩm tùy thích (đỏ, vàng, xanh lá,…để tạo màu mới, các mẹ có thể pha các màu này với nhau theo một tỉ lệ nhất định)

Cách làm: Trộn tất cả các thành phần trên với nhau thật đều trong khay chịu nhiệt, đưa vào lò vi sóng nướng chín trong khoảng 7 phút. Chờ cho bột nguội thì bắt đầu nhào đến khi bột mịn là được.

Các mẹ chỉ cần dành khoảng 15 phút cùng với sự tỉ mỉ của mình là có thể tự làm cho con được loại bột nặn an toàn nhất. Hãy khuyến khích bé cùng tham gia và cùng chơi với bé khi làm xong. Chúc các mẹ thành công và các bé được chơi vui và an toàn nhé!

Sưu tầm


Những phát hiện thú vị về các em bé tuổi ẵm ngửa

Đừng tưởng các bé tuổi ẵm ngửa không biết gì. Chẳng hạn, bé 15 tháng tuổi đã nhận ra sự công bằng và biết cách chia sẻ, một nghiên cứu mới vừa đưa ra bằng chứng đầu tiên về điều đó.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khái niệm công bằng hình thành trong trẻ con sớm hơn nhiều ở giai đoạn đầu đời so với quan niệm trước đây của chúng ta”, Jessica Sommerville, trợ lý giáo sư từ Đại học Washington, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Trong thí nghiệm của họ, các em bé có xu hướng nhìn lâu hơn khi các miếng bánh được chia không đều nhau (nghĩa là không công bằng), đó là cách các bé biểu lộ sự ngạc nhiên trước tình huống này.

Tiếp tục thí nghiệm, các bé sẽ gặp một người lạ mặt xin đồ chơi. Những bé từng nhìn lâu vào “vụ chia bánh không đều” có xu hướng chia sẻ công bằng hơn, sẵn sàng đưa cho người lạ món đồ chơi mà bé thích. Những bé chỉ cho người lạ món đồ mình không thích dường như là các bé “ích kỷ”, đây cũng chính là các bé không theo dõi lâu vụ chia bánh không công bằng.

Trước đó, cũng từng có không ít nghiên cứu về các em bé và đây là những phát hiện thú vị nhất rút ra từ đó:

Các bé thích “những anh bạn tốt”

Trong thí nghiệm năm 2007 của nhóm nghiên cứu Đại học Yale, các bé 10 tháng tuổi tỏ rõ sự thích thú với nhóm đồ chơi “tốt”, là những đồ chơi đã giúp đỡ một đồ chơi khác leo lên đỉnh đồi, và không chọn những đồ chơi đã cản trở anh bạn kia leo lên.

Phát hiện này chứng tỏ khả năng đánh giá xã hội của bé hình thành từ rất sớm, như một sự thích nghi với tự nhiên.

Nói với bé bằng giọng trẻ con

Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Harvard trên các bé 5 tháng tuổi cho thấy, các bé này nhìn và chú ý nhiều hơn đến những người lớn sử dụng ngôn ngữ trẻ con khi nói chuyện với chúng.

Ngay cả khi cuộc chuyện trò kết thúc, các bé vẫn có xu hướng thích những người này hơn. Các nhà nghiên cứu tin nằng các bé sử dụng ngôn ngữ trẻ con như một ám hiệu xã hội, “ám hiệu này cho phép các bé tập trung vào những cá nhân thích nói chuyện với mình, chú ý đến mình, và vì thế sẽ cung cấp những chăm sóc tốt hơn cũng như cho bé cơ hội học hỏi”.

Nói tiếng mẹ đẻ của bé

Cuộc khảo sát của nhà tâm lý học Đại học Harvard Elizabeth Spelke trên các bé 10 tháng tuổi cho thấy các bé thích những người và đồ vật dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của bé. Chẳng hạn, nếu cho bé 2 đồ chơi khác nhau, một nói tiếng mẹ đẻ, một nói tiếng nước ngoài, bé sẽ có xu hướng chọn đồ chơi nói tiếng mẹ đẻ.

Điều đó cho thấy bản năng tự nhiên mạnh mẽ của con người là thích những người “thuộc nhóm của mình”.

Bé có thể nhận ra âm sắc tình cảm

Vào lúc 9 tháng tuổi, bé đã có thể nhận ra sự khác biệt giữa một bài hát vui vẻ và một bài hát buồn bã, theo nghiên cứu năm 2008 của Đại học Brigham Young.

Thuận An


Rốn lồi ở trẻ em

Rốn hay còn gọi là rún, là một chỗ lõm tròn ở giữa bụng ghi dấu nơi bám của dây rốn khi còn là thai nhi. Bình thường rốn trông phằng hoặc lõm xuống vì thành bụng được đóng kín. Trẻ bị rốn lồi (RL) hay còn gọi là thoát vị rốn, là chứng sa ruột ở vùng rốn, khiến rốn phồng lên thành khối u mềm, xảy ra phổ biến ở trẻ em. Thống kê hàng năm tại BV. Nhi Đồng 1 có hơn 300 trẻ bị RL đến khám và theo dõi. Đây là một bệnh lý đơn giản ở trẻ như có thể gây biến chứng nguy hiểm thoát vị nghẹt, cần được phụ huynh lưu tâm.

Cấp cứu thoát vị rốn nghẹt

Bé nhập viện cấp cứu vì ói nhiều, chỗ RL bị căng tím và đau. Trước nhập viện khoảng 6 giờ, bà phát hiện một khối u nhỏ nằm ở ngay trên rốn của cháu, to bằng ngón tay cái, không xẹp. Đồng thời cháu đau bụng càng lúc càng dữ dội kèm theo ói nhiều lần. Từ màu da bình thường và không đau, dần dần khối u chuyển sang màu tím và sờ vào thấy đau. Mẹ cháu cũng cho biết cháu bị RL từ khi sinh, không điều trị gì cả. Chẩn đoán khối u nằm trên rốn cháu là do thoát vị rốn bị nghẹt. Cháu đã được mổ cấp cứu kịp thời giải phóng đoạn ruột bị nghẹt, phục hồi thành bụng bị thoát vị và tạo hình rốn. Sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu đã hồi phục. Đây là một trường hợp biến chứng thoát vị nghẹt trên trẻ RL đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

RL phổ biến ở trẻ em

RL rất thường gặp ở trẻ em nhỏ. Sinh non hoặc có trọng lượng lúc sinh thấp là những yếu tố nguy cơ cao bị RL. Nguyên nhân do cơ bụng của những trẻ này còn yếu hoặc không đóng kín hoàn toàn theo trình tự bình thường trong năm đầu đời đã để lại vòng rốn còn hở. Do vậy, ruột trong bụng có thể chui một phần qua đó tạo nên khối u nhỏ lồi trên rốn. Nhìn thấy RL khi đường kính khối u lớn hơn 0,5cm và sờ được lỗ khuyết cân cơ từ 1cm trở lên. RL có khuynh hướng thay đổi kích thước có thể đến 10cm hoặc hơn nữa và lớn tối đa lúc trẻ 1 – 2 tháng tuổi. Thông thường vòng rốn tiếp tục đóng trong khoảng thời gian từ 2 – 3 năm kế tiếp. Ở một số trẻ vì lý do nào đó tiến trình này không xảy ra, cần phải can thiệp phẫu thuật để sửa chữa.

Nhận biết RL

Phần lớn trường hợp xuất hiện RL trước 6 tháng tuổi, biểu hiện một khối tròn trồi lên ngay tại vị trí lỗ rốn, chứa ruột hay màng nối bên trong, da và mô dưới da trên khối này còn nguyên vẹn. Phần RL này thường mềm, không đau, khi nằm nghiêng hoặc ấn vào sẽ xẹp xuống. RL trông rõ và to hơn khi trẻ khóc, rặn hoặc ho, làm cho áp suất trong bụng tăng lên. Có nhiều dạng RL, RL không thường xuyên, chỉ hơi sưng lồi lên hoặc nhìn thấy khối RL đường kính dưới 2cm, thường giảm dần theo thời gian khi các cơ ở bụng trẻ phát triển. RL xuất hiện to thường xuyên, có đường kính trên 2cm khuynh hướng tăng kích thước theo thời gian, nguy cơ biến chứng cần phải phẫu thuật. RL “dạng vòi voi”, do chứa những bộ phận ở phía trên rốn. Nhận biết biến chứng thoát vị rốn bị nghẹt khi khối phồng ấn không xẹp, căng cứng, sờ đau. Da vùng RL trở nên đổi màu tím tái, do đoạn ruột bị nghẹt không được cung cấp máu đầy đủ. Trẻ đột ngột trở nên quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, bỏ bú và nôn ói. Chậm nhập viện điều trị, ruột trẻ có thể bị hoại tử.

Chăm sóc RL tại nhà

Trẻ bị RL cần đưa đi khám bệnh để được đánh giá, hướng dẫn điều trị và theo dõi cẩn thận. Với các trường hợp RL nhẹ, các bậc phụ huynh có thể dùng băng thun có bề rộng khoảng 3- 5cm và đồng xu hay miếng bìa cứng cắt tròn băng rốn theo hướng dẫn của BV. Nhi Đồng 1 như sau:

– Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ. Dùng gạc gói kín đồng xu hoặc miếng bìa cứng cắt tròn.

– Ấn nhẹ cho RL xẹp xuống.

– Đặt đồng xu quấn gạc lên rốn trẻ sao cho phần có nhiều gạc sát bụng trẻ để tránh da trẻ bị đè cấn. Quấn băng thun quanh bụng vừa tay khoảng 3 – 5 vòng rồi cố định.

Thực hiện khi trẻ nằm yên, mỗi ngày sau khi tắm trẻ hoặc khi bị ướt để tránh hăm da. Không nên tháo thường xuyên vì sẽ làm giảm tác dụng của kỹ thuật. Thời gian băng rốn đến khi rốn hết lồi, trung bình từ 1 – 3 tháng.

Khi nào đưa trẻ đến cơ sở y tế?

RL quá to đường kính trên 5cm, “dạng vòi voi”, trở nên lớn hơn sau 1 năm, kéo dài hơn ba tuổi hoặc khi thấy một trong những dấu hiệu bị nghẹt như: RL bị sưng tấy, căng đau, trẻ đau bụng, nôn ói nhiều, hoặc quấy khóc nhiều cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được đánh giá và điều trị thích hợp kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn cho trẻ.

Sưu tầm