Dấu hiệu cho thấy chân có bệnh

Bàn chân là nơi tập trung đầy đủ toàn bộ huyệt đạo của cơ thể. Mỗi một biểu hiện ở chân có thể là dấu hiệu cho thấy biết một số bộ phận trong cơ thể sắp xảy ra sự cố.

Chuột rút

Chân đột nhiên bị chuột rút hoặc cơ bắp co rút đột ngột, nguyên nhân có thể do luyện tập hoặc mất nước nên tạm thời có triệu chứng đó. Có lúc, khi đang nằm, một thớ thịt hoặc một mảng thịt xung quanh bỗng nhiên chuột rút, sau đó kèm theo cảm giác đau nhức.

Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, trong thực đơn ăn uống hàng ngày nên chú ý dung nạp thêm canxi, kẽm và ma-giê. Nếu bà bầu ở trong thời kỳ cuối mang thai nên cẩn thận, phải tăng thêm lượng máu lưu chuyển, ngăn chặn phát sinh tình trạng này.

Biện pháp: Thử xoay chân, mát-xa phần đau nhức. Cũng có thể dùng khăn lạnh hoặc cồn tẩy trùng để làm cho cơ thịt thư giãn. Để tránh chuột rút ở chân, trước khi ngủ thẳng chân, sau đó uống cốc sữa nóng để bổ sung canxi.

Chân và ngón chân nhợt nhạt

Tuần hoàn không thông suốt, thông thường do bệnh tuần hoàn máu gây ra. Do động mạch xơ cứng, tim không thể cung cấp đẩy đủ lượng máu xuống chân, lúc đó sẽ xuất hiện hiện tượng này.

Máu không đủ sẽ làm cho chúng ta không thể cảm nhận được mạch của chân. Khi đứng dậy, chân có thể bị hằn đỏ hoặc hơi thâm đen, khi năng chân sẽ chuyển thành màu trắng bệch nhợt nhạt.

Biện pháp: Thông qua vận động và ăn uống để cải thiện tuần hoàn máu.

Ngón chân quặp lún, có vết hằn như hình cái thìa

Đây là biểu hiện của thiếu máu. Được gây ra do không có đầy đủ huyết sắc tố (một loại protein giàu hàm lượng sắt có trong hồng cầu). Phần trong xuất huyết (ví dụ loét) hoặc kinh nguyệt quá nhiều cũng có thể gây ra thiếu máu.

Khi thiếu máu, móng tay cũng có tình trạng tương tự. Màu sắc và gốc móng tay đều có màu trắng bệch, móng dễ gãy, chân luôn cảm thấy hàn lạnh. Mệt mỏi là triệu chứng đầu tiên của thiếu máu, các triệu chứng khác bao gồm khi đứng dậy khó thở, hoa mắt chóng mặt, đau dầu.

Biện pháp: thông qua kiểm tra tính số toàn bộ tế bào máu để chẩn đoán thiếu máu.

Đau nhức lòng bàn chân không thể chữa khỏi

Đây là biểu hiện chính của bệnh tiểu đường. Nồng độ đường huyết tăng cao sẽ phá hỏng các dây thần kinh ở dưới chân. Biểu hiện sau đó là do áp lực, không cẩn thận cọ xát gây ra trầy xước hoặc vết thương. Các biểu khác của bệnh tiểu đường còn có: miệng thường xuyên khát, tiểu nhiều, dễ mệt mỏi, thị lực mờ, dễ đói hoặc trọng lượng cơ thể giảm.

Biện pháp: Lập tức chữa trị lở loét, vết thương và kiểm tra bệnh tiểu đường.

Chân lạnh

Hiện tượng này biểu hiện nhiều ở phụ nữ. Nhiệt độ trung tâm cơ thể phụ nữ thấp hơn nam giới, vì vậy mặc dù họ rất mạnh khỏe nhưng rất nhạy cảm với hàn lạnh.

Phụ nữ trên 40 tuổi nếu có hiện tượng lạnh chân, có thể là do chức năng tuyến giáp thận không tốt, bởi vì tuyến giáp thận sẽ điều tiết nhiệt độ cơ thể và trao đổi chất cũ mới. Ngoài ra, tuần hoàn không thông suốt cũng là một nguyên nhân.

Biện pháp: Dùng các nguyên liệu thiên nhiên ngâm chân để giữ ấm là biện pháp tốt nhất. Nếu bạn có các vấn đề sức khỏe khác ngoài lạnh chân, bạn nên đi khám bác sỹ.

Móng chân dày nặng, có màu vàng

Đây là do nhiễm khuẩn nấm ở dưới ngón chân gây ra. Người mắc bệnh nấm ở móng thông thường không tri giác vì vậy bị nhiễm bệnh từ nhiều năm trước mà không biết. Nhưng loại nấm khuẩn này truyền nhiễm rất nhanh đến toàn bộ ngón chân, thậm chí lên tận tay, làm cho móng chân phát ra mùi hôi khó ngửi. Người bị bệnh tiểu dường, người có vấn đề về hệ miễn dịch và tuần hoàn dễ bị lây nhiễm bệnh này.

Biện pháp: Đi viện khám và chữa trị cấp tốc.

Ngón chân cái đột nhiên to lên

Có thể là bệnh Gout. Đây là một bệnh viêm khớp, thông thường gây ra do nhiều acid uric. Acid uric thông thường tồn tại ở những bộ phận cơ thể có nhiệt độ khá thấp, và nơi mát nhất và xa tim nhất trong cơ thể lại chính là ngón chân cái.

Nam giới từ 40-50 tuổi hoặc phụ nữ sau khi tắt kinh nguyệt đều dễ mắc bệnh Gout.

Biện pháp: Tư vấn bác sỹ để tìm cách chữa trị bằng cách uống thuốc và điều chỉnh ăn uống.

Tê hai chân

Hai chân không có cảm giác, điều này là do dây thần kinh xung quanh chân trục trặc nhưng hai nguyên nhân chính là bệnh tiểu đường và lạm dụng uống rượu. Trị liệu hóa học cũng là một nguyên nhân khác. Càng nghiêm trọng hơn đó là dạng tê không cảm giác này sẽ kéo dài đến tay, làm cho bạn cảm thấy như mình đang đeo một chiếc bao tay dài.

Biện pháp: Tìm khám bác sỹ. Mặc dù chưa có cách chữa trị bệnh này nhưng có thể thông qua thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm để giảm nhẹ cảm giác đau.

Đau nhức khớp chân

Viêm khớp dạng phong thấp đầu tiên là cảm thấy đau nhức qua các khớp như đốt ngón chân và ngón tay, đau nhức đồng thời cùng với xưng phù và xơ cứng, loại đau nhức này có tính đối xứng. Viêm khớp dạng phong thấp xảy ra nhiều ở phụ nữ, tỉ lệ mắc bệnh của phụ nữ cao gấp 4 lần so với nam.

Biện pháp: Đầu tiên kiểm tra toàn diện để xác định nguyên nhân đau nhức khớp. Có rất nhiều thuốc và liệu pháp có thể chữa khỏi viêm khớp.

Móng có vết lõm

Đa phần da của người mắc bệnh vẩy nến có biểu hiện là móng tay có nhiều lỗ nhỏ, chỗ sâu chỗ cạn. Nhưng có đến 3/4 da và khớp của người mắc bệnh vẩy nến bị ảnh hưởng, biểu hiện thường gặp đó là móng tay có vết lõm không trơn, thẳng.

Biện pháp: Bất luận là bệnh vẩy nến hay viêm khớp vẩy nến đều có rất nhiều thuốc giúp chữa trị tốt.

 Theo dantri

Xương đau khớp mỏi do giày dép

Giày dép cần phù hợp với cấu trúc từng cơ thể. Nếu chỉ chạy theo thời trang mà chọn giày dép không thích hợp, có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bàn chân, thậm chí cả cột sống và các khớp khác ở chân như gối và háng.

Một số chứng đau nhức do giày dép

Từ lâu trong y học người ta đã biết đến nhiều chứng đau nhức liên quan tới giày dép.

Đau ngón chân: một số giày mũi nhọn và chật có thể tạo ra biến dạng ngón quặp. Từ đó tạo ra các cục chai trên ngón chân làm khó chịu và đau nhức. Nó còn gây biến dạng ngón cái vẹo ngoài hay ngón út vẹo trong, chồng ngón.

Đau chỏm xương bàn: bề ngang mũi giày hẹp không vừa bàn chân có thể gây ra hội chứng Morton gây tê và đau chỏm xương bàn 3, 4. Thông thường hơn là tạo ra cục chai nằm hai bên chỏm xương bàn 5 (ngón út) hay ngón 1 (ngón cái). Các cục chai này rất đau và có thể bị loét do cọ xát với thành giày.

Đau gót và gan bàn chân do tình trạng viêm cân gan chân (gai xương gót): thường gặp ở người có bệnh thấp khớp, hoặc hoạt động mạnh như vận động viên, công nhân khuân vác, làm việc đòi hỏi đứng lâu, đi nhiều. Giày không có đế êm ở gót chân, gót quá cao hay quá thấp đều không phù hợp. Biết chọn giày đúng cách sẽ giúp bàn chân bớt áp lực do công việc đòi hỏi.

Đau cổ chân: thường gặp nhất là chấn thương lật cổ chân hay trẹo bàn chân. Đa số là bong gân, nghĩa là bị tổn thương dây chằng và bao khớp cổ chân. Nó có thể ở phía bên mắt cá ngoài hay mắt cá trong. Tuỳ theo mức độ tổn thương mà gây đau nhiều hay ít. Thường triệu chứng làm bệnh nhân lo lắng không phải là đau, mà là thấy sưng quanh mắt cá kéo dài sau chấn thương trên một tháng vẫn chưa xẹp.

Đau lan từ bàn chân lên vùng gối hay đùi: thường là những cơn đau do hệ thống tĩnh mạch bị suy yếu (giãn tĩnh mạch) hay gân cơ bị căng kéo lâu ngày, xảy ra ở những người mang giày dép quá cao hay quá chật kéo dài. Một số người do nghề nghiệp phải ép mình sửa dáng đi, dáng đứng, trang phục không phù hợp với cơ thể cũng có thể gây ra những cơn đau như vậy (lắm khi được chẩn đoán là viêm thần kinh toạ bởi tạo ra bệnh cảnh giống hệt).

Hội chứng ống cổ chân: xuất hiện khi có sự chèn ép thần kinh trong ống cổ chân. Tình trạng này biểu hiện bằng sự đau nhức và tê, dị cảm dưới gan chân. Đau thường lan từ cổ chân đến chỏm xương bàn hay ngón chân. Đau tăng lên khi mang giày, đứng lâu, đi nhiều.

Hội chứng Morton: tình trạng đau nhức ngón chân, thường là ngón 2, 3, 4 do các nhánh thần kinh đi giữa hai xương bàn bị chèn ép, đôi khi có thể hình thành một khối u sợi thần kinh (neuroma). Người bệnh đau nhiều hơn khi mang giày và chỉ rõ được vị trí đau.

Chọn giày thế nào cho phù hợp?

Các tiêu chuẩn chung: giày vừa phải đủ cứng để bảo vệ lòng bàn chân, vừa có độ dẻo để bàn chân có thể cử động linh hoạt. Vật liệu tự nhiên ít gây dị ứng hơn vật liệu tổng hợp. Gót giày càng rộng bước đi càng vững chắc. Trọng lượng cơ thể càng lớn, chân đế gót giày phải càng rộng. Đi giày gót nhọn dễ té nên tuyệt đối không dùng cho trẻ em. Đế giày cần có đặc tính: cứng (để bảo vệ gan chân), dẻo (để chuyển động nhịp nhàng với bàn chân), mềm (để không tạo sừng hoá da gan chân), không thấm nước… Mũi giày không nên quá bằng phẳng mà thường chếch nhẹ lên để giảm áp lực lên đầu các ngón chân…

Tuỳ công việc và địa hình di chuyển mà lựa chọn loại giày có chức năng phù hợp:

Công việc văn phòng: ngồi lâu nên mang giày nhẹ, dễ mang dễ tháo. Nếu phải đi lại, lên xuống thang lầu nhiều thì không nên mang giày chật, giày gót cao và nhọn. Đế dẻo tốt hơn đế cứng, cao 3 – 7cm. Mặt trong giày có lớp lót êm.

Lao động ngoài trời hay dã ngoại: để leo trèo nên mang giày vải, gót bằng, đế dẻo, nhám để bàn chân linh hoạt cử động và tăng độ bám. Địa hình đường dài, gồ ghề nên mang giày đế cứng có độ vòm cạnh trong tốt, gót bản rộng. Miệng giày cao trên mắt cá giúp bảo vệ cổ chân. Đế có gai hay giác hút giúp tăng độ bám dính.

Chơi thể thao: mỗi môn cần một loại giày riêng, ví dụ giày đá banh, giày điền kinh, giày bóng rổ, giày tennis… Những loại giày này đã được nghiên cứu để cấu trúc phù hợp với vận động của môn thể thao đó. Người chơi thể thao nghiệp dư thường xem đây là thú vui giải trí, ít ai chú ý mua đôi giày phù hợp vì ngại đắt tiền, chính vì thế mà dễ bị chấn thương và đau nhức hơn vận động viên chuyên nghiệp.

Khiêu vũ dạ hội: vũ công, người mẫu thời trang, diễn viên sân khấu vì nghề nghiệp cần mang giày cao gót để tạo dáng đi uyển chuyển và gợi cảm. Để làm giảm đi bất lợi, tốt nhất không đi nhanh, đứng lâu. Khi chấm dứt công việc phải chăm sóc bàn chân như xoa bóp, ngâm chân nước nóng, vận động liệu pháp.
Gót cao bao nhiêu là vừa?

Người ta nghiên cứu thấy rằng gót giày cao vừa phải sẽ giúp bước chân nhẹ nhàng hơn vì làm giảm bớt sức căng của gân gót. Tuy nhiên nếu cao quá thì làm thay đổi trọng tâm của bàn chân, khiến sự cân bằng của các nhóm cơ đối vận bị xáo trộn làm các cơ bắp mau mỏi mệt do phải cố gắng duy trì sự thăng bằng mới cho cơ thể. Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, không nên đi giày đế cao hơn 7cm. Tuỳ tuổi và giới tính mà chọn giày có gót như sau:

Trẻ dưới 8 tuổi: đế bằng.

Trẻ 8 – 10 tuổi: không cao quá 2cm.

Trẻ gái trên 10 tuổi: không cao quá 3,5cm.

Bé trai trên 10 tuổi: không cao quá 2,5cm.

Phụ nữ: 3 – 7cm, trung bình là 5cm.

Đàn ông: 2 – 5 cm, trung bình là 3cm.

Theo BS Huỳnh Bá Lĩnh

 Sài Gòn tiếp thị

Các thực phẩm giúp giảm đau tự nhiên

(Dân trí) – Ngồi lâu, áp lực công việc và cuộc sống, thiếu vận động…thường khiến cơ thể chúng ta cảm thấy đau đớn, dễ gây các bệnh tật, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Mách bạn 8 loại thực phẩm tự nhiên dưới đây không chỉ giúp giảm đau, còn mang lại lợi ích cho sức khoẻ.

Ngũ cốc (ngô, kê, nếp cẩm, cao lương, yến mạch, các loại đậu…)

Các loại ngũ cốc chứa hàm lượng chất xơ phong phú, rất thích hợp làm thực phẩm giảm cân, nhưng vẫn cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp nguyên tố magiê phong phú. Nghiên cứu y học đã chứng minh, magiê có thể rút ngắn thời gian bị đau của các cơ quan trong cơ thể một cách hiệu quả.

Cá hồi

Nếu bạn đang bị một chứng đau mãn tính gây khó chịu, bạn nên thêm món cá hồi vào khẩu phần ăn của mình. Omega 3 trong cá hồi có tác dụng làm giảm cơn đau, vitamin D lại có tác dụng đối phó với các chứng đau mãn tính và các trạng thái khó chịu của cơ thể trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ 3 inch cá hồi có chứa tới 500 đơn vị quốc tế vitamin D (hàm lượng vitamin D được khuyên dùng hàng ngày là 1000 đơn vị quốc tế).

Dầu ô liu

Trong dầu ô liu giàu hàm lượng chất chống ôxy hoá polyphenol. Chất này được công nhận có khả năng làm giảm cảm giác đau. Ngoài ra, hàm lượng phong phú chất béo không no trong dầu ô liu còn giúp tăng cường sức khoẻ cho xương, phòng ngừa các bệnh liên quan.

Dâu tây

Màu sắc tự nhiên của dâu tây đã cho thấy hàm lượng vitamin C phong phú. Đây cũng chính là chất chống oxy hoá, giảm đau tự nhiên rất mạnh. Có nghiên cứu đã phát hiện ra, vitamin C còn có tác dụng ngăn ngừa bệnh viêm khớp và các biến chứng của căn bệnh này.

Rau xanh

Trong rau xanh chứa hàm lượng vitamin K phong phú, có tác dụng làm giảm đau và giúp duy trì sức khỏe xương khớp. Rau có lá càng xanh, hàm lượng vitamin K càng nhiều.

Chế phẩm từ sữa

Sữa chua và các chế phẩm từ sữa khác tuy không có tác dụng giảm đau rõ rệt như các thực phẩm trên, nhưng 2 nguyên tố canxi và vitamin D có trong đó cũng có thể mang lại hiệu quả làm giảm các triệu chứng đau mãn tính.

Các thức uống làm từ nho

Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị là 1 chai rượu vang và 1 ly rượu. Như vậy có thể giúp bạn làm giảm cơn đau ở cơ và khớp. Rượu vang đỏ, nước ép nho…đều có hiệu quả giảm đau như aspirin. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên uống quá 1 ly rượu vang/ngày. Bởi các thức uống làm từ nho có chứa resveratrol, là nguyên tố không nên nạp quá nhiều vào cơ thể. Nguyên tố này có trong mọi thực phẩm liên quan đến nho. Do đó, bạn cũng không nên ăn nho và uống rượu vang hoặc nước ép nho trong cùng 1 ngày.

Phạm Thuý

Theo people

Hội chứng ống cổ tay: một loại dịch bệnh nghề nghiệp

Một sai lầm phổ biến hiện nay là nhiều người bị hội chứng ống cổ tay với cảm giác tê các ngón tay khi đi xe máy hoặc khi thức dậy buổi sáng, đến mức làm rơi đũa ăn, nhưng cứ nghĩ mình bị tê thấp, phong thấp…

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chậm chữa trị có thể gây tàn tật do tổn thương thần kinh, teo cơ gò cái.

Dấu hiệu mắc bệnh

Hội chứng ống cổ tay là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất, khiến hơn 2 triệu người phải khám bác sĩ hàng năm ở Mỹ. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng khá cao.

Thần kinh giữa ở mặt lòng cẳng bàn tay chui qua đường hầm ở cổ tay, nằm chung với chín gân gập ngón tay. Các gân này nằm trong những bao nhớt, gọi là bao hoạt dịch. Gân bị viêm sưng to lên và lấn lên rễ thần kinh giữa; thần kinh giữa mềm mại bị chèn ép nặng hơn bởi những gân cứng như dây thừng do sưng nề, gây ra bệnh.

Các triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là đau, tê nhức, châm chích ở các ngón tay, đặc biệt các ngón cái, ngón hai, ba và phân nửa ngoài ngón áp út, không bị một ngón rưỡi còn lại; có thể thấy đau lan cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay, nhất là về đêm; cầm nắm trở nên vụng về; đôi khi đau lên tới cẳng tay. Người bệnh nhẹ cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay; nặng hơn thì thấy rất đau ở bàn tay, có khi bỏng rát và nhức nhối cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng. Bệnh lâu ngày có thể gây teo cơ gò cái, khả năng cầm nắm yếu đi. Đo cơ điện đồ nơi tin cậy giúp thêm bằng chứng xác định chẩn đoán này. Gõ nhẹ vào nếp gấp lòng cổ tay – bàn tay cảm giác đau tê tăng lên.

Ai dễ mắc bệnh?

Dễ mắc bệnh này nhất là những người làm công việc đòi hỏi phải cầm nắm hay gập lòng cổ tay thường xuyên: thợ mộc, nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, người thu tiền quầy tạp hoá, vận động viên bóng bàn… Người dùng máy vi tính thường xuyên cũng dễ mắc hội chứng này, khi cầm nắm con chuột thường xuyên trong tư thế sai khiến sự căng giãn lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay gây vi chấn thương. Tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh, có thai, đang dùng thuốc uống tránh thai; hoặc những người mắc bệnh mạn tính như viêm khớp, tiểu đường, suy thận…

Để phòng ngừa bệnh, cần cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, năng xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn, tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ, tay. Thường xuyên tập thể dục, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay.

Khi làm việc, cần chọn tư thế hợp lý, chẳng hạn ghế ngồi phải vừa tầm, mông cao hơn gối, lưng thẳng hay hơi ngả ra sau, tựa thắt lưng vào lưng ghế có ụ nhô ngang thắt lưng (lưng quần), hai chân chấm đất trong tư thế vững vàng nhưng thoải mái. Màn hình máy tính nên đặt ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Khi làm việc, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. Nếu được, để cổ tay tựa nhẹ lên tấm thảm chuột có một phần nhô lên bằng gel mềm. Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay. Thực hiện chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.

Điều trị cách nào?

Dễ mắc bệnh này nhất là những người làm công việc đòi hỏi phải cầm nắm hay gập lòng cổ tay thường xuyên: thợ mộc, nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, người thu tiền quầy tạp hoá, vận động viên bóng bàn… Người dùng máy vi tính thường xuyên cũng dễ mắc hội chứng này.

Phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống cho khoa học và hợp lý. Những trường hợp hội chứng ống cổ tay thể nặng phải được điều trị nội khoa tích cực, nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn bao gồm ý thức tránh các động tác sai, gập lòng cổ bàn tay lặp đi lặp lại; mang nẹp lòng cẳng bàn tay vào đêm để tránh cổ tay gập; uống thuốc kháng viêm không phải corticoid cho những ca nhẹ. Sử dụng hết sức dè dặt thuốc corticoid chích tại chỗ nếu thấy bệnh nặng không đáp ứng trị liệu bảo tồn nêu trên. Khi tê nặng ảnh hưởng công việc hay khi đã thấy teo cơ gò cái thì nên phẫu thuật giải ép cắt dải dây chằng mặt lòng cổ tay để giải phóng thần kinh giữa. Tập luyện lại bàn, ngón tay để sớm phục hồi vận động các ngón, đặc biệt làm nở lại cơ gò cái.
Cảnh giác với gãy đầu dưới xương quay

Gãy đầu dưới xương quay hay “gãy cổ tay”– một loại gãy nếu được điều trị không tốt sẽ bị can lệch, gây ra hội chứng ống cổ tay – thường gặp ở vận động viên hay người có tuổi bị loãng xương.

Đây là loại gãy đầu xa xương quay cùng phía ngón tay cái. Gãy đầu dưới xương quay xảy ra khi té chống bàn tay đang duỗi hay gập. Gãy có thể đơn giản thành hai đoạn, hay gãy phức tạp với nhiều mảnh xương bể.

Điều trị cho gãy đơn giản thường là nắn và bó bột. Gãy phức tạp phải được điều trị bằng phẫu thuật, mổ nắn và cố định dụng cụ. Thời gian lành xương là sáu đến tám tuần lễ. Phải chăm sóc kỹ khi đang bó bột. Nếu bột lỏng có nguy cơ xương nắn rồi lại bị di lệch, tạo can lệch sau này; vì thế phải giữ bột khô, dùng bao nilông che chắn kỹ khi lau mình hay tắm; đừng kéo gòn bao che da trong bột; đừng dùng vật lạ chọc vào trong bột để gãi ngứa; giữ không cho bụi, cát rơi vào trong bột; mời bác sĩ xem nếu bị ngứa hay da bị kích thích; đừng bẻ gãy hay xén rìa bột mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Khám bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng sau: đau gia tăng và cảm giác bột bó quá chặt; tê và có cảm giác châm chích ở bàn tay; cảm giác nóng, châm chích do da quá căng; sưng quá mức bàn, ngón tay do mạch máu lưu thông kém; mất điều khiển ngón tay.

Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành
Sài Gòn tiếp thị

Bài tập cho vùng vai vững chắc, giảm mệt mỏi

(Dân trí) – Trong các bài tập yoga, màn khởi động thường là những động tác đẩy cánh tay và vùng vai, tăng cường sức đối kháng tạo bởi các chuyển động đỡ trọng lực. Dưới đây là các bài tập nhỏ tác động lên vùng vai giúp cơ thể dẻo dai và tinh thần sảng khoái hơn.

Tư thế Setuasana

Ngồi lên gót chân và nghiêng sang 1 bên. Đặt 2 bàn tay lên mặt nền. Quay ngược 2 chân ra phía sau cho đến lúc thẳng đứng. Nâng đầu gối chân duỗi lên khỏi mặt sàn sao cho chỉ còn ngón chân tiếp xúc với sàn. Thả lỏng chân nhưng vẫn giữ ở tư thế thẳng. Mặt hướng nhìn thẳng về phía trước. Giữ tư thế này trong vài giây, thở đều đặn. Lặp lại một vài lần. Bạn có thể làm lại một lần nữa, giữ trong khoảng thời gian dài hơn, có thể nửa phút hoặc hơn.

 

Lợi ích: Tăng sức khỏe cánh tay, giảm béo. Rèn luyện khả năng chịu đựng, tăng khả năng tập trung tinh thần. Rèn luyện toàn bộ phần xương sống. Làm nhỏ vùng bắp chân, giúp đôi chân thon gọn hơn.

 

Tư thế Prishtasana

Quỳ xuống, đặt khuỷu tay tiếp xúc sàn. Đặt lưng bàn chân lên sàn. Hít vào. Thở ra, nghiêng người phía trước, mặt cúi về phía cánh tay được gấp lại. Tiếp tục thở bình thường.

 

Giữ tư thế  này trong 10 giây. Lặp lại ba lần. Sau một vài ngày hoặc  vài tuần tập luyện, bạn có thể tăng thời gian thực hiện động tác để tăng cường hiệu quả.

 

Lợi ích: Thư giãn vùng lưng, vai, cánh tay. Giúp thở đều, tăng cường hoạt động cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đồng thời giảm stress.

 

Quách Vinh

Theo Times of India

Giảm đau cho tín đồ giày cao gót và dép xỏ ngón

Ai cũng biết đi giày cao gót và dép xỏ ngón liên tục rất hại cho chân nói riêng và sức khỏe nói chung. Nhưng ai có thể làm ngơ trước những phụ kiện thời trang xinh đẹp như thế? Vậy thì bạn đã biết cách xoa dịu đôi chân tội nghiệp của mình chưa?

Bạn có biết rằng những đôi dép và đôi giày đế đơn – không có tác dụng nâng đỡ lòng bàn chân (như  dép xỏ ngón đi biển và giày cao gót) có thể tàn phá hơn 100 cơ, dây chằng và gân trong mỗi mắt cá và bàn chân. Nếu bạn phải thường xuyên dùng những loại giày dép này, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với những cơn đau âm ỉ ở bàn chân, ngón chân và mắt cá chân. Bài tập ngắn dưới dây giúp bạn thư giãn, giúp trị liệu cơ bản cho những vấn đề đau nhức chân do mang giày dép.

Bài tập hàng ngày gồm 4 động tác được khuyến khích tập 3 nhịp cho mỗi động tác, mỗi nhịp giữ khoảng 1 phút.

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Real Simple

Hội chứng chuột máy tính – hiểm họa khó lường

Hội chứng “chuột máy tính” hay còn gọi là hội chứng “ống cổ tay” là tên gọi căn bệnh dành cho những người sử dụng máy tính quá nhiều và không đúng cách, có cảm giác hai cánh tay bị tê mỏi và đau nhức, khớp xương cổ tay cũng có thể bị hơi sưng. Có thể nói, hội chứng ống cổ tay được xem như căn bệnh của thời hiện đại và ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại ngày nay.

Căn bệnh đáng sợ

Để đáp ứng yêu cầu công việc, ngày càng có nhiều người phải tiếp xúc và sử dụng máy tính trong thời gian dài. Việc lặp đi lặp lại động tác đánh chữ trên bàn phím và di chuyển con chuột khiến khớp xương cổ tay phải hoạt động nhiều. Những thao tác này được thực hiện với tần suất cao và trong thời gian dài đã dẫn đến bắp cơ cổ tay hoặc khớp xương bị tê, sưng, đau nhức, chuột rút.

Thật ra không riêng gì dân hay vọc máy tính mới bị, hội chứng này cũng xuất hiện ở những người hay phải co duổi bàn tay liên tục (nhạc công, nhân viên massage, họa sĩ…). Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay là đau, tê ngón trỏ và ngón giữa, yếu ngón cái; có thể thấy đau cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Người bệnh nhẹ cảm thấy tê buốt giống như bị kim châm ở bàn tay; nặng hơn thì cảm thấy rất đau ở bàn tay, có khi bỏng rát và nhức nhối cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng.

Các số liệu điều tra cho thấy, xác suất bị hội chứng ống cổ tay ở phụ nữ thường cao gấp 4 lần so với ở đàn ông nếu làm việc giống nhau trong một thời gian tương đồng. Nguyên nhân là do cổ tay của phụ nữ thường nhỏ hơn cổ tay đàn ông, nên hệ thống dây thần kinh ở giữa cổ tay dễ bị đè nén hơn.


Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần nam giới

Với những phụ nữ đang mang thai, những người mắc bệnh về khớp, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao… xác suất bị hội chứng ống cổ tay luôn cao hơn những người bình thường.

Do những sợi thần kinh ở cổ tay và bàn tay chúng ta vận hành theo những kênh xác định hình thành xương, dây chằng và cơ bắp. Khi làm việc lâu trên bàn phím và đặc bịêt với chuột máy tính, dây thần kinh nối với xương bị ép vào nhau. Nếu điều đó tiếp diễn trong một thời gian đủ lớn, sẽ xảy ra hiện tượng tê cứng, đau buốt rồi ít lâu sau sẽ hoàn toàn mất cảm giác tại các ngón tay.

Nếu người sử dung không để ý mà cứ tiếp tục sử dụng máy tính trong thời gian kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng như hỏng dây thần kinh cổ tay, bàn tay biến thành màu đen sẫm, cơ bắp bị hoại tử.

Những công bố đáng giật mình

Giới khoa học Đan Mạch mới đây đã tuyên bố nghiên cứu mới nhất của họ về các tác hại của việc sử dụng chuột máy tính đối với người sử dụng. Trong báo cáo của họ nêu rõ: “”Mỗi lần bạn click chuột là một lần tăng nguy cơ về sự đau đớn, sự sưng tấy, tê cóng và hàng loạt những rắc rối khác đối với đôi tay, cổ tay, vai và cổ của bạn””.

Các nhà khoa học cho rằng những người thường xuyên sử dụng chuột máy tính trên 2/3 quỹ thời gian làm việc của họ thì sẽ có nguy cơ dẫn đến các tổn thương tay và cổ tay. Tuy nhiên, tổn thương về tay và cổ tay lại khác nhau đối với cùng một nhóm đối tượng những người thường xuyên phải sử dụng máy tính cho công việc. Nếu người nào sử dụng chuột ít nhất trong nửa thời gian làm việc sẽ có nguy cơ tổn thương cao gấp bốn lần những người chỉ sử dụng chuột trong 1/4 thời gian đó.

Tiến sĩ Chris Jensen thuộc Học viện nghiên cứu về sức khoẻ nghề nghiệp, Copehagen, Đan Mạch, người chủ trì nghiên cứu này, nói: “”Chúng tôi đã nghiên cứu trên gần 3.500 trường hợp thường xuyên phải sử dụng máy tính tại 11 công ty Đan Mạch khác nhau. Tất nhiên là rắc rối không phải chỉ từ các con chuột, nhưng chúng mang những đặc trưng rất riêng, nổi trội nhất”.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học thuộc ĐH Odense, ĐH Glostrup và Bệnh viện Herning, cũng cho rằng những người thường xuyên phải sử dụng chuột máy tính trên 30 giờ trong một tuần sẽ làm tăng cao các nguy cơ tổn thương một số bộ phận trên cơ thể. Cụ thể là: những người sử dụng chuột máy tính trên 30 giờ một tuần sẽ có nguy cơ tổn thương cẳng tay cao gấp 8 lần người bình thường. Nguy cơ tổn thương cổ sẽ cao gấp hai lần. Nguy cơ tổn thương vai cao gấp ba lần. Nghiên cứu thứ hai này đã tiến hành điều tra trên gần 7.000 trường hợp trong một năm trên khắp đất nước Đan Mạch.

Một trong những tác giả của nghiên cứu thứ hai, ông Lars Brandt, nói: “”Những người sử dụng máy tính, đặc biệt là những hoạ sĩ thiết kế. Họ sử dụng chuột trong hầu hết thời gian làm việc. Điều này làm những vấn đề về sức khoẻ nghề nghiệp càng trầm trọng hơn””.

Nguyên nhân

Hiện nay không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới ai ai cũng bị triệu chứng đau nhức các khớp xương cổ tay, sưng, tê… vì sử dụng chuột nhiều. Theo các chuyên gia Y học Trung Quốc, nguyên nhân gây đau thường là:

• Sử dụng máy vi tính trong thời gian dài, khớp xương cổ tay vì hoạt động tập trung, lặp đi lặp lại quá mức, dẫn đến bắp cơ cổ tay bị tê, sưng, đau nhức, chuột rút…

• Tư thế ngồi trước máy chưa thoải mái hợp lý, điều này liên đới tới việc vị trí đặt chuột hay bàn phím máy tính không hợp lý, dẫn đến việc đánh phím/di chuột diển ra trong tư thế khó chịu, gây mỏi cơ vai và cổ tay.

• Dùng bàn phím cứng-không nhạy, chuột có kích thước to/nhỏ không vừa kích cở bàn tay.

• Không có biện pháp thả lỏng cơ sau khoảng thời gian ngồi máy.

Thường thì triệu chứng ban đầu khá nhẹ nhàng, chủ yếu là hơi đau cổ tay, ngón tay, thả lỏng vài phút là hết, đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh tái phát nặng hơn – vì chủ quan của bản thân.

Và cách chữa trị

Theo các chuyên gia y tế thì tự mình chăm sóc là biện pháp hiệu quả nhất để dự phòng căn bệnh này.
Bình thường, mỗi người phải tự mình hình thành thói quen ngồi đúng tư thế, bất cứ là đang làm việc hay nghỉ ngơi, đều phải chú ý tư thế của tay và cổ tay.

Các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên áp dụng các phương pháp đánh máy khác nhau và không nên làm việc liên tục trước màn hình máy tính trong thời gian quá dài. Theo đó, cứ sau khoảng một tiếng đồng hồ, người sử dụng cần phải tiến hành hoạt động thả lỏng phần tay.

Hãy tự bảo vệ bản thân

Đối với những người mắc bệnh ở thời kỳ đầu, triệu chứng còn khá nhẹ, thì nghỉ ngơi là biện pháp chữa trị quan trọng nhất và nếu cần thiết có thể cố định cổ tay bằng biện pháp bó bột, làm cho cổ tay vươn thẳng. Nếu trong trường hợp khá nghiêm trọng, thì cần phải chữa trị bằng phẫu thuật.

Khi bệnh đã trở nặng, thì dưới đây là 2 cách hữu hiệu nhất hiện nay để chữa hội chứng cổ tay này:

Cách thứ nhất là dùng thuốc – bằng cách tiêm loại thuốc chứa glucocarticoid vào các kênh và các mô bao quanh dây thần kinh để phục hồi khả năng truyền dẫn của dây thần kinh.

Cách thứ hai là giải phẫu. Các bác sĩ sẽ cắt đi các mô ép vào dây thần kinh. Biện pháp này phức tạp, tốn thời gian hơn nhng có vẻ cơ bản hơn.

Nhưng tất nhiên không gì bằng phòng ngừa các bệnh tật có thể xảy ra. Cách phòng bệnh tốt nhất là đến ngay bác sĩ tại thời điểm cảm thấy sự khác lạ nơi những ngón tay.

Có thể nói đây là một loại bệnh thông thường mà ít ai quan tâm tới, nhưng khi bị nặng thì biến chứng của nó rất nguy hiểm. Hãy có trách nhiệm với cổ tay của mình ngay từ bây giờ, và chỉ cần áp dụng đúng những tư thế ngồi và có chế độ thư giãn cổ tay đúng cách thì việc mắc căn bệnh văn minh này là không hề nguy hiểm đối với bạn.

Thu Trang

5 giải pháp phòng ngừa bệnh loãng xương

Cứ hai phụ nữ lại có một người bị loãng xương sau tuổi 60. Để ngăn ngừa chứng loãng xương, hãy ăn uống cân bằng ngay từ bây giờ.

1. Giảm các thực phẩm có tính axit

Tồn tại hai loại thực phẩm: thực phẩm có tính kiềm và thực phẩm có tính axit. Thực phẩm có tính axit sẽ sản sinh các chất axit trong máu nhiều hơn các chất kiềm, và đối với thực phẩm có tính kiềm là ngược lại.

Các nguyên tố tồn tại trong thực phẩm tính kiềm gồm kali, canxi, magiê và natri. Chúng “nằm” trong rau xanh là nhiều nhất. Còn các nguyên tố trong thực phẩm tính axit là clo, lưu huỳnh và phốt pho lại “nằm” nhiều nhất trong trong các loại thịt, ngũ cốc.

Một bữa ăn dùng gạo và mỳ làm món ăn chính, không chú ý đến việc xen kẽ tính kiềm trong các loại rau, chỉ thích ăn nhiều thịt, cá, trứng mang tính axit sẽ dẫn đến sự mất cân đối giữa axit và kiềm trong cơ thể. Do có quá nhiều các chất axit trong cơ thể nên các nguyên tố canxi và magiê sẽ bị tiêu hao đi, ảnh hưởng đến xương và gây ra một số bệnh lý khác như dễ mệt mỏi, thiếu tập trung, các bệnh đường ruột, sâu răng, táo bón, đau đầu, gân cốt rã rời…

Vì vậy, để có một bộ xương chắc khoẻ sau tuổi 50 và luôn khỏe mạnh, cần chú ý đến sự phối hợp giữa kiềm và axit trong bữa ăn hàng ngày. Để giảm axit, không nên ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, các đồ ngọt hay uống rượu bia và để tăng tính kiềm nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ biển, đậu nành… và uống nhiều sữa.

2. Bớt muối trong món ăn

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng muối ăn là thủ phạm kích thích sự điều tiết can-xi trong nước tiểu. Điều đó có nghĩa là nếu bạn ăn mặn, khả năng mắc bệnh loãng xương là rất cao do hàm lượng can-xi bị giảm đi.

Các nhà khoa học cũng kết luận rằng: Nếu giảm lượng hấp thu muối ăn hàng ngày từ 4g xuống 2g sẽ có tác động tích cực phòng ngừa chứng loãng xương và cơ thể bạn sẽ tăng thêm sự hấp thu lượng can-xi, rất tốt cho xương.

Bởi vậy, trong thực đơn hàng ngày bạn hãy chọn cho mình những thực phẩm (đồ hộp, thịt, bánh mỳ, bánh bích quy, nước xốt…) ít muối hay không muối. Cần hạn chế những loại thực phẩm có vị mặn như hạt dẻ rang, khoai tây chiên ròn, mắm cá, ô mai muối.
Mặt khác, cũng cần phải giảm từ từ lượng muối rắc thêm vào trong thức ăn như muối tiêu trong bánh mì kẹp, tôm hấp và giảm lượng muối trong lúc chế biến thực phẩm.

3. Lựa chọn các axit béo không no

Nguồn thực phẩm cơ bản có chứa axit béo Omega-3 đó là trong các loại cá có chất béo sống ở nơi rất sâu của đại dương như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá bơn halibut, cá da xanh, cá ngừ, cá thu. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên chúng ta nên ăn một trong những loại cá này ít nhất 2 lần/tuần.

Omega-6 có hương vị quen thuộc hơn, chúng có trong các loại ngũ cốc, các loại dầu thực vật, các loại đậu nguyên hạt, bơ thực vật margarine, lòng đỏ trứng.

4. Bổ sung vitamin D và K

Can-xi là thành phần cấu tạo nên xương nhưng vitamin D lại là chất điều hòa việc hấp thụ, chuyển hóa và lưu trữ can-xi trong cơ thể nên chúng chỉ hoạt động tốt khi có nhau.

Bên cạnh vitamin D, vitamin K cũng là cặp “bài trùng” với can-xi. Vitamin K có khả năng kết hợp với can-xi để giúp xương chắc khỏe. Thiếu vitamin K có thể gây ra bệnh loãng xương.

Nguồn bổ sung vitamin D là cá béo, lòng đỏ trứng, chất béo của sữa và phơi nắng. Trong đó, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào nhất.

Còn vitamin K lại “nằm” nhiều trong các loại rau họ cải (cải bắp, cải xoong…) và ngũ cốc.

5. Nhiều thực phẩm giàu can-xi

Một chế độ ăn uống cân bằng hoàn toàn đảm bảo đủ nhu cầu can-xi của cơ thể. Vì thế, không nhất thiết chỉ chăm chăm uống sữa (do nghĩ như vậy mới cung cấp đủ can-xi cho xương chắc khỏe). Còn có rất nhiều nguồn can-xi khác cho bạn lựa chọn như rau xanh, các loại mầm, hạt, ngũ cốc…

Sưu tầm

Phòng và chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng xoa bóp, bấm huyệt

Thoái hóa đốt sống cổ là quá trình bệnh lý ở các đốt sống cổ, mới đầu chỉ là hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ.

Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người sử dụng nhiều động tác ở vùng đầu cổ, có cường độ lao động cao (làm suốt ngày không nghỉ), có thể gặp ở người đi cấy, thợ cắt tóc, bác sĩ chuyên khoa răng, thợ trát vách, thợ sơn trần, diễn viên xiếc…

 

Những biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ 

– Ở những người cao tuổi do quá trình lão hóa các đĩa liên đốt, các thân đốt do tưới máu kém nên dễ xuất hiện bệnh hơn so với người trẻ tuổi.

– Ở những người có người thân trong gia đình mắc bệnh này cũng có nguy cơ mắc nhiều hơn những người trong gia đình không có người bị bệnh.

– Khi mắc bệnh, có thể một thời gian dài người bệnh không thấy có cảm giác khác thường, sau đó có các biểu hiện sau:

Khi vận động cổ thì bị đau, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả hai bên.

Thoái hóa đốt sống cổ rất có thể gây tổn thương vào lỗ tiếp hợp ảnh hưởng đến rối loạn tuần hoàn não. Do vậy, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng thần kinh, kết hợp với các thăm dò hiện đại khác để phát hiện và xử lý kịp thời. Để điều trị thoái hóa đốt sống cổ có hiệu quả, người bệnh cần được loại trừ chứng đau gáy chẩm, đau gáy bả vai, cánh tay, các tổn thương cần phẫu thuật như u tủy cổ… Điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu là dùng các thuốc giảm đau thông thường kết hợp với biện pháp trị liệu như tập luyện vận động cổ, tự xoa bóp bấm huyệt. Sau đây xin giới thiệu các biện pháp đó để bạn đọc tham khảo, ứng dụng.

Phương pháp tập luyện vận động cổ

Nghiêng cổ sang phải rồi sang trái mỗi bên 10 lần. Cúi cổ về phía trước (cằm tì vào ngực càng tốt), ngửa cổ về phía sau (gáy tựa vào vai) mỗi phía 10-15 lần.

Quay cổ: Cúi đầu về phía trước quay cổ về phía vai trái về phía sau, phía vai phải rồi trở lại phía trước. Quay từ từ hết một vòng rồi quay ngược lại, mỗi chiều 5 lần.

Nhấc vai: Tự nhấc vai trái rồi đến vai phải mỗi bên 10 lần, sau đó nhấc cả hai vai cùng lúc 10 lần.

Phương pháp tự xoa bóp đốt sống cổ

Xát cổ: Lấy tay phải xát cổ trái từ trên xuống và ngược lại, mỗi bên 15 lần.

Xát gáy: Các ngón tay của hai bàn tay đan với nhau ôm vào sau gáy kéo qua kéo lại 10 lần.

Xát vùng giữa hai xương bả vai: Cúi đầu về phía trước, vắt bàn tay cùng bên ra phía sau xát trên xuống dưới lên 10-15 lần.

Bóp các cơ vùng gáy: Cúi đầu về phía trước, dùng bàn tay bóp cơ cổ từ trên xuống 10-15 lần.

Véo gân dưới nách: Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ véo các gân dưới nách bên đối diện và ngược lại sao cho có cảm giác tê tức truyền xuống tận ngón tay.

Phương pháp bấm huyệt

Phương huyệt được chọn gồm một số huyệt như: huyệt á thị, phong trì, kiên tỉnh, hậu khê.

Huyệt á thị: Theo y học cổ tryền, huyệt á thị còn được gọi là thiên ứng huyệt, có vị trí chính là điểm đau của bệnh. Nói như vậy là ở một người bệnh có thể tìm và xác định được vài huyệt á thị. Huyệt này có thể trùng với một số huyệt khác. Khi tìm huyệt cần dùng đầu ngón tay day hoặc bấm nhẹ nhàng để phát hiện điểm đau cho chính xác. Khi đã phát hiện được điểm đau thì bấm mỗi điểm 1-2 phút.

Bấm huyệt phong trì: Đặt 2 ngón tay vào 2 huyệt (ở chỗ lõm hai bên từ chỗ lõm giữa cơ ức – đòn – chũm và phần trên cơ thang) 4 ngón kia ôm lấy đầu, dùng lực bấm vào huyệt từ 1-2 phút sao cho có cảm giác tức nóng là được.

Bấm huyệt kiên tỉnh: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa bấm huyệt bên đối diện từ 1-2 phút (huyệt ở chỗ lõm đỉnh vai, khi giơ ngang tay).

Bấm huyệt hậu khê: Dùng ngón tay cái bấm huyệt bên đối diện và ngược lại từ 1-2 phút (huyệt ở đầu nếp ngang thứ 2 (phía sau) của khớp xương bàn tay – ngón tay út khi bàn tay hơi nắm lại).

Chú ý: Khi bấm huyệt cần thực hiện tốt thao tác bấm, dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón tay cái, ngón tay trỏ để bấm huyệt, cần bấm vuông góc với huyệt để tạo được lực bấm mạnh, đây chính là cung phản xạ cảm giác đau ở người bệnh mà khoa học đã chứng minh.

 

BS. Nguyễn Đức Lê

Theo suckhoedoisong

Cách xử trí khi bị vẹo cổ

Bệnh vẹo cổ khi ngủ dậy thường là do tư thế lúc ngủ không hợp lý, gối đầu quá cao hoặc quá cứng khiến cho đầu cổ lệch về một bên. 

Nếu thấy cổ bị căng cứng, cảm giác đau nhức khó chịu tăng lên khi cố làm động tác quay cổ, có khi đau lan xuống bả vai, chi trên hoặc vùng liên sống bả, khiến cho cổ phải nghiêng về một bên trong tư thế rất gò bó thì rất có thể là chứng bệnh vẹo cổ.

Chứng bệnh vẹo cổ này được y học cổ truyền gọi là lạc chẩm hay thất chẩm.

Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh vẹo cổ khi ngủ dậy thường là do tư thế lúc ngủ không hợp lý, đầu gối quá cao hoặc quá cứng khiến cho đầu cổ lệch về một bên, các cơ vùng cổ như cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng giãn kéo dài mà sinh đau.

Ngoài ra, tình trạng thoái hóa cột sống cổ hoặc cổ bị lạnh cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh phát sinh hoặc nặng thêm. Khi lâm vào tình trạng khó chịu này, trước tiên bạn phải hết sức bình tĩnh và sau đó lần lượt tiến hành các thao tác sau đây: 

Dùng lòng bàn tay xoa xát vùng cổ: trong vài phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, có thể thoa thêm một chút dầu cao hoặc cồn rượu xoa bóp để làm tăng tác dụng trị liệu. Cũng có thể chườm vùng cổ vai bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu.

Dùng các ngón tay nhẹ nhàng day ấn cổ vai: để xác định được các điểm đau nhiều (áp thống điểm). Sau đó dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn các điểm này trong vài phút.

Chú ý mỗi điểm day đều với một lực vừa phải chừng 30 giây rồi ấn áp thống điểm từ nhẹ đến mạnh trong năm giây, nghỉ hai giây rồi lại tiếp tục ấn, tiến hành chừng 3-4 lần như vậy là được. Khi ấn cảm giác đau nhức thường tăng lên nhưng không vì thế mà giảm cường độ tác động.

Dùng ngón tay trỏ hoặc đầu bút bi (không phải đầu nhọn): day ấn huyệt lạc chẩm trong vài phút, mỗi ngày kiên trì day ấn vài lần. Vị trí huyệt lạc chẩm là ở mu bàn tay, nằm giữa hai xương bàn tay 2 và 3, trên khớp xương bàn – ngón khoảng 0,5 thốn (một thốn ở người trưởng thành là từ 2-2,2cm). Khi ấn có cảm giác đau tức nhất. Huyệt vị này còn có tên gọi là hạn cường, hay kỳ huyệt, có tác dụng chữa trị các chứng bệnh như cứng gáy, đau nửa đầu, đau dạ dày, đau họng, đau vai và cánh tay…

Vì là huyệt hết sức hữu hiệu trong trị liệu chứng vẹo cổ nên được gọi là huyệt lạc chẩm.

Ngoài thủ thuật day bấm, người ta còn dùng kim châm cứu châm thẳng hoặc xiên, sâu từ 0,5-1 thốn, tại chỗ thường có cảm giác căng tức, có khi cảm thấy như bị điện giật lan tới mút ngón tay.

Nói chung, bạn chỉ cần áp dụng thủ pháp trị liệu như trên chừng 3-4 lần là có thể chữa khỏi chứng vẹo cổ hoặc ít nhất cũng giúp cho bệnh trạng thuyên giảm nhiều. Nếu hiệu quả không rõ rệt thì cần đi khám để tìm thêm nguyên nhân và loại trừ biến chứng của các bệnh khác.

Sưu tầm