Chống mệt mỏi cho dân văn phòng dịp cuối năm

(Dân trí) – Để hoàn thành tốt những việc có thể làm bạn kiệt sức vào cuối năm, đừng quên những nguyên tắc sau:

1. Cân bằng thực phẩm là quan trọng

Thực phẩm cân bằng đương nhiên là đa dạng hóa, như thế mới có thể tránh được dinh dưỡng không tốt làm cho cơ thể suy yếu.

Những quy tắc dưới đây cần phải tuân thủ: Mỗi tối 1 loại hoa quả, mỗi ngày 2 lần ăn rau, trong thức ăn hàm chứa thực vật tinh bột nhưng không nên quá nhiều, mỗi ngày một lần ăn thịt, cá hoặc trứng; sau cùng còn có mỗi bữa ăn không thể thiếu chế phẩm từ sữa.

2.  Bổ sung thích hợp đường và carbohydrate

Đường và Carbohydrate là thành phần dinh dưỡng cơ bản nhất, là nguồn lượng chủ yếu cho cơ thể. Tất cả các sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ đều cần tiêu hao đường. Mỗi ngày 50%—55% năng lượng bổ sung cho cơ thể đều phải dựa vào đường.

Có lợi nhất là đường hỗn hợp, bởi vì nó không những nhanh chóng được cơ thể tiêu hao mà còn có thể bổ sung năng lượng thường xuyên. Những thực phẩm dưới đây đều hàm chứa phong phú đường hỗn hợp: cơm, bánh mỳ, chế phẩm từ bột mỳ. Tuy nhiên không cần thiết mỗi bữa đều ăn, mỗi ngày ăn một bữa là đủ rồi.

3. Chuyên gia ẩm thực: bánh quy cung cấp năng lượng

Thành phẩn chủ yếu của bánh quy là lúa mỳ, năng lượng bánh quy cung cấp đến từ carbohydrate. Bánh quy chuyên dùng trong bữa sáng đảm bảo cung cấp cho chúng ta năng lực dồi dào cho đến tận bữa trưa. Nếu lại dung nạp thêm một quả gì đó, một quả trứng, uống một cốc sữa nữa thì đó là một bữa sáng hoàn chỉnh đầy đủ năng lượng.

Thời gian nghỉ giải lao giữa chiều ăn mấy miếng bánh quy và uống một cốc nước hoa

quả có thể giúp bạn tràn đầy nhiệt tình công việc đến tận lúc tan tầm.

4. Đừng quên vitamin C

Công hiệu chống mệt mỏi của vitamin C tất cả chúng ta đều biết, ngoài ra, vitamin C còn có công năng trợ giúp tăng cường miễn dịch. Quả kiwi, hoa quả loại cam, quýt, hoa quả màu đỏ, rau tươi đủ máu đều hàm chứa đại lượng vitamin C.

5. Chuyên gia ẩm thực: hoa quả cung cấp vitamin

Công việc bình thường của não cần nhiều loại vitamin và khoáng chất. Vitamin B và vitamin C đặt biệt quan trọng để duy trì trí lực và thể lực cho cơ thể. Vitamin B11 là loại vitamin không thể thiếu được cho sự vận hành hệ thống thần kinh và sinh trưởng phát triển cơ thể, có lợi nâng cao năng lực học tập và trí nhớ. Hàm lượng vitamin B11 trong dâu tây, dưa ngọt, rau lá xanh là cao nhất. Vitamin C giúp duy trì nhận thức hoạt động được tiến hành thuận lợi. Hàm lượng vitamin C nhiều có ở trong rau xanh và hoa quả như ổi, cần tây, ớt ngọt, kiwi, dâu tây và cam vv. Vì vậy mỗi ngày đảm bảo phải ăn 1-2 loại hoa quả, 500g rau xanh.

6. Không được xem nhẹ dung nạp sắt

Rất nhiều phụ nữ đều không thích ăn thịt đỏ, tuy nhiên chất sắt hàm chứa trong thịt đỏ là thành phần cơ bản của tế bào đỏ, có thể bảo đảm cung cấp ô xy cho các cơ quan trong cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, biểu hiện là mệt mỏi cực độ. Nguồn chất sắt tốt nhất là gan, huyết, các loại thịt đỏ, chim bồ câu, sò hến vv.

7. Quả khô là thuốc bổ sung năng lượng

Sau khi tập luyện thể lực và hoạt động não lực, có thể gặm nhấm một vài hoa quả khô hoặc hoa quả, như thế sẽ nhanh chóng bổ sung thể lực. Nên để một ít mơ khô, hạnh nhân hoặc các loại hoa quả khô khác ở trong túi để tiện sử dụng khi cần thiết.

8. Sữa rất mực quan trọng

Mỗi buổi sáng tốt nhất uống một cốc sữa. Sữa có thể cung cấp phong phú Canxi, một thành phần quan trọng để cho xương cốt mạnh khỏe.

Khi mất ngủ, uống một cốc sữa ấm: chất Tryptophan trong sữa có thể thúc đẩy hình thành chất Serotonin-5, loại chất này có thể hợp sức giúp não điều giải giấc ngủ.

Dương Hằng

Theo xinhuanet

7 biện pháp phòng chống bệnh suy thận do chuột

Cục Y tế dự phòng vừa chính thức đưa ra 7 khuyến cáo mạnh mẽ cho người dân để phòng chống bệnh do vi rút Hanta sau khi có 1 trường hợp nhiễm vi rút này phải nhập viện do bị chuột cắn.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người do loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) bị nhiễm vi rút cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa vi rút. Do đó để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Hanta lây lan sang người, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Vi rút Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu.

Ngoài ra, vi rút Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp.

Bệnh không lây từ người bệnh sang người lành.

Một số ít trường hợp có hiểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể tử vong.

1. Tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng. Sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ màn để tránh bị chuột cắn.

2. Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng sau khi 1 tiếp xúc.

3. Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột.

4. Giữ vệ sinh, gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột.

5. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm.

6. Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc.

7. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột/chất thải của chuột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Trước đó, theo điều tra dịch tễ cho thấy khu vực bệnh nhân 55 tuổi nhập viện ngày 17/10 sinh sống (bệnh nhân cứ trú tại 99AT Trần Văn Đang, tổ 52, khu phố 4, phường 9, quận 3, TPHCM) có rất nhiều chuột, trung bình 9 con/hộ gia đình. Bệnh nhân này có triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục nhưng không ho, không đau họng và không tức ngực sau khi bị chuột cắn 3 – 4 ngày.  Bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 17/10 với tình trạng tỉnh táo, có ít tử ban. Kết quả xét nghiệm huyết thanh học tại đây cho thấy bệnh nhân dương tính với vi rút Hanta. Một tuần sau bệnh nhân xuất viện với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.

Theo dantri

Tự xoa bóp phòng chống phì đại tiền liệt tuyến lành tính

Phì đại tiền liệt tuyến lành tính (Prostatic hypertrophy, PH) hay còn gọi là tiền liệt tuyến tăng sinh là một bệnh thường gặp ở nam giới khi tuổi bắt đầu cao và đang có xu hướng gia tăng. Trên lâm sàng, bệnh được biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu khó, tiểu nhiều lần về đêm, bí tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ… với mức độ ngày càng nặng dần theo thời gian và cuối cùng sẽ dẫn tới suy thận nếu như không được điều trị kịp thời, hợp lý và hiệu quả.

Trong y học cổ truyền, bệnh này thuộc phạm vi các chứng như Long bế, Lâm chứng, Tinh long… với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do rối loạn công năng một số tạng phủ như phế, tỳ, can, thận dẫn đến hậu quả bàng quang không được khí hóa đầy đủ mà phát sinh thành bệnh. Về mặt trị liệu, ngoài việc dùng thuốc uống trong hoặc ngâm ngoài, cổ nhân còn chú ý sử dụng các biện pháp không dùng thuốc, trong đó có vấn đề tự lựa chọn và day bấm một số huyệt vị châm cứu nhằm dự phòng tích cực và hỗ trợ điều trị. Dưới đây, xin được giới thiệu một quy trình cụ thể để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

1. Xoa bụng dưới

Dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng dưới theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải chừng 30 vòng, sao cho tại chỗ ấm lên là được. Thao tác này có tác dụng trợ dương khí cho hạ tiêu (làm ấm vùng bụng dưới), giúp quá trình khí hóa bàng quan (kích thích co bóp và làm giãn cơ thắt cổ bàng quang) được thuận lợi, nhờ đó mà việc bài tiết nước tiểu được thực hiện dễ dàng.

2. Day bấm huyệt Khí hải

Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt Khí hải trong 1 phút. Vị trí huyệt Khí hải: Ở dưới rốn 1,5 tấc trên đường trục giữa cơ thể (ảnh 1). Theo y học cổ truyền, Khí hải là bể của sinh khí, là nguồn năng lượng cần thiết cung cấp cho sự sống, có công dụng điều khí, bổ thận dương, làm ấm hạ tiêu, nhờ đó giúp cho chức năng khí hóa bàng quang được thực hiện. Y thư cổ Thái ngải thiên viết: “Khí hải là biển của sinh khí, nó chủ trị được tất cả các bệnh”.

3. Day bấm huyệt Quan nguyên

Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm huyệt Quan nguyên trong 2 phút. Vị trí huyệt Quan nguyên: Ở dưới rốn 3 tấc trên đường trục giữa cơ thể. “Quan” có nghĩa là cái chốt đóng cửa, ý muốn nói là chỗ hiểm yếu; “Nguyên” có nghĩa là mới đầu, to lớn. Vì huyệt vị này là nơi chứa đựng nguyên khí, là nguồn năng lượng rất lớn cần cho sự sống nên được gọi là Quan nguyên. Day bấm huyệt này có tác dụng bổ thận cố bản, bổ khí hồi dương, làm ấm hạ tiêu, giúp cho quá trình khí hóa bàng quang được thuận lợi, cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện.

4. Day bấm huyệt Lợi niệu

Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ day bấm huyệt Lợi niệu trong 2 phút. Vị trí huyệt: Ở dưới rốn 2,5 tấc hay chính là trung điểm của đường nối rốn và điểm giữa bờ trên xương mu. Ðây là một tân huyệt (huyệt mới), còn gọi là huyệt Chỉ tả, có công dụng chữa các chứng bệnh như bí tiểu, tiểu rắt, đái dầm, đi lỏng do viêm ruột… Theo kinh nghiệm của nhiều nhà châm cứu, có khi chỉ cần day bấm duy nhất huyệt vị này cũng đủ để cải thiện tình trạng rối loạn tiểu tiện, miễn sao phải xác định chính xác vị trí huyệt và tác động đúng kỹ thuật. Nghĩa là, sau khi tìm được huyệt thì dùng ngón tay day đều theo chiều kim đồng hồ rồi từ từ bấm với một lực tăng dần kết hợp với rặn tiểu tích cực. Thông thường nếu xác định đúng huyệt thì việc đi tiểu sẽ dễ dàng hơn, tia nước tiểu mạnh hơn.

5. Day bấm huyệt Âm lăng tuyền

Dùng ngón tay cái day bấm huyệt trong 1 phút. Vị trí huyệt Âm lăng tuyền: Là điểm gặp nhau ở chỗ lõm sau bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua lồi củ trước xương chày, phía dưới bên trong đầu gối (ảnh 2). Ðây là huyệt vị nằm trên đường kinh tỳ, có khá nhiều công dụng, trong đó có khả năng điều hòa bàng quang nên thường được dùng để chữa một số chứng bệnh thuộc đường tiết niệu như bí tiểu, tiểu khó, đái dầm, tiểu không tự chủ. Cổ nhân thường sử dụng phối hợp với hai huyệt Khí hải và Tam âm giao.

6. Day bấm huyệt Tam âm giao

Dùng ngón tay cái day bấm huyệt trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt Tam âm giao: Ở chỗ lõm sát bờ sau trong xương chày, trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá trong 3 tấc (ảnh 3). “Tam” có nghĩa là ba, “âm” trái với dương, chỗ mặt trong chân so với mặt ngoài chân, “giao” có nghĩa là chỗ gặp nhau, huyệt ở tại chỗ gặp nhau của ba đường kinh âm nên gọi là Tam âm giao. Ðây là huyệt có liên hệ mật thiết với ba tạng Tỳ, Can và Thận, Tỳ và Thận lại có vai trò rất lớn trong việc khí hóa bàng quang nên tác động vào huyệt Tam âm giao có thể trị các bệnh thuộc hệ tiết niệu và sinh dục, trong đó có các chứng trạng như bí tiểu, tiểu khó, đái dầm… Trên thực tế, các nhà châm cứu thường dùng Tam âm giao phối hợp với huyệt Trung cực và Thủy đạo hay Quan nguyên, Trung cực và Dương lăng tuyền để trị liệu chứng Long bế.

7. Day bấm huyệt Thái khê

Dùng ngón tay cái day bấm huyệt Thái khê trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt Thái khê: Ở điểm giữa của đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, ngang với mỏm cao nhất của mắt cá trong (ảnh 4). Ðây là một trong những huyệt vị quan trọng của đường kinh Thận, có công dụng bổ thận âm, làm mạnh lưng gối, làm khỏe dương khí, nhờ đó mà tăng cường chức năng khí hóa của bàng quang, giúp cho việc bài tiết nước tiểu được dễ dàng.

8. Xát cột sống thắt lưng

Dùng hai bàn tay đặt hai bên khối cơ cạnh cột sống thắt lưng, xát lên xuống chừng 60 lần sao cho tại chỗ nóng lên là đạt yêu cầu (ảnh 5). Thao tác này có tác dụng kích thích các du huyệt nằm dọc hai bên cột sống, giúp cho quá trình khí hóa bàng quang được thuận lợi.?

(Theo ykhoanet.com)